Trước đó, từ 3 giờ chiều ngày 27, Công đoàn lao động và ban quản lý đã tổ chức một cuộc họp hòa giải tại Ủy ban Quan hệ Lao động Khu vực Seoul tuy nhiên sau hơn 9 tiếng đàm phán, 2 bên vẫn không thể đạt được thỏa thuận chung. Hai bên đều xin gia hạn đàm phán tới sau nửa đêm sang sáng ngày hôm sau để tiếp tục thảo luận, nhưng vẫn không thu hẹp được những khác biệt trong ý kiến.
Cuộc đàm phán cuối cùng kết thúc trong thất bại vào lúc 2 giờ 20 sáng ngày 28. Theo đó Công đoàn xe buýt Seoul đã thông báo sẽ tiến hành cuộc tổng đình công như dự kiến vào lúc 4 giờ sáng cùng ngày.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng các cuộc đàm phán hậu trường giữa các nhân viên cấp chuyên viên vẫn tiếp tục ngay cả sau khi cuộc đình công được tiến hành. Dư luận Hàn Quốc hiện đang chú ý đến việc khoảng cách sẽ được thu hẹp đến mức nào trong quá trình này và liệu 2 bên có đi đến thỏa hiệp trong thời gian sắp tới hay không.
Ngay trong sáng 28 khi cuộc đình công bắt đầu, rất nhiều người dân tại Seoul đã gặp phải không ít bất tiện do không biết về việc xe buýt đình công. Sự bất tiện càng trở nên trầm trọng hơn do trời đã mưa từ sáng sớm.
Chị Gu (nhân viên văn phòng, sống tại quận Gangnam) đã cho Kinh Tế AJU biết: "Đến sáng nay trước khi đi làm tôi mới biết là có cuộc đình công. Tuy nhiên tôi nghĩ là kể cả vậy thì chắc sẽ chỉ là thời gian chờ đợi xe buýt sẽ lâu hơn thôi nên vẫn đứng chờ ở bến xe buýt. Tôi không thể tưởng tượng được là thực sự không có bất cứ một chiếc xe nào chạy cả. Tuy vô cùng bối rối nhưng tôi đã phải nhanh chóng chọn phương án đi bộ ra ga tàu để đi tàu tới chỗ làm".
Gu còn cho biết thêm: "Chỗ bến xe buýt mà tôi đứng chờ xe có một nhóm người nước ngoài vẫn đứng đợi, có lẽ họ không biết về việc này (đình công). Vì quá vội nên tôi đã không thể giải thích và chỉ dẫn cho họ được".
Chị Wang (người Trung Quốc, làm việc tại khu vực Gwanghwamun) cũng chia sẻ: "Tôi đã đứng chờ xe buýt mà không thấy chiếc xe nào chạy qua, ngoại trừ một số xe buýt làng (xe buýt vận hành các tuyến đường ngắn tại một khu vực trong khu dân cư, thường đi qua những con đường chật hẹp hoặc leo dốc nơi xe buýt thành phố khó đi qua). Vì thế tôi định bắt taxi nhưng thực sự cũng không dễ để gọi được taxi".
Anh Kim (nhân viên văn phòng) đã ra khỏi nhà và chờ ở bến xe buýt từ 6 giờ 30 sáng tâm sự: "Tôi đã ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ 40 phút vì nghĩ rằng nhỡ đâu cũng không thể bắt được taxi thì sẽ phải đi bộ gần 1 tiếng để đến được ga Gyeongbuk. Tôi cũng rất lo lắng vì không biết liệu khi tan làm vào buổi chiều tôi có thể bắt được xe buýt để về nhà hay không nữa".
Trong bối cảnh Công đoàn xe buýt Seoul đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nhân lực đồ về khu vực Icheon và Gyeonggi, để ngăn chặn tình trạng này Công đoàn đã yêu cầu tăng lương theo giờ thêm 12,7%.
Tuy nhiên, phía công ty cho rằng yêu cầu này là quá mức so với lạm phát và tốc độ tăng lương trong 5 năm qua.
Vào ngày này, hai bên vẫn tiếp tục "giằng co" về tỷ lệ tăng lương, trong đó Ủy ban Lao động địa phương đã đề xuất mức tăng 6,1% nhưng cuối cùng vẫn thất bại trong việc hòa giải.
Trong cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào ngày 26 của Công đoàn về cuộc đình công, kế hoạch đình công đã được thông qua với tỷ lệ tán thành 88,5%.
Được biết, có 65 công ty đang tham gia Công đoàn xe buýt thành phố Seoul, trong đó có 61 công ty thuộc đối tượng đàm phán tập thể, nghĩa là các công ty này có khả năng cao sẽ tham gia vào cuộc đình công lần này.
Theo đó, có thể sẽ có tới 7.210 xe buýt, tương đương 97,6% tổng số xe buýt thành phố Seoul (7.382), ngừng hoạt động.
Lần cuối cùng Công đoàn xe buýt Seoul đình công là vào năm 2012. Khi đó, một cuộc đình công cục bộ đã diễn ra trong 20 phút.
Các phương tiện di chuyển thay thế trong giờ cao điểm đi làm và tan làm sẽ được triển khai ngay lập tức, chẳng hạn như tăng chuyến và kéo dài thời gian hoạt động của tàu điện ngầm.
Cụ thể, tàu điện ngầm sẽ hoạt động tổng cộng 202 lần một ngày, chuyến tàu cuối cùng cũng được kéo dài thời gian cho tới 2 giờ sáng hôm sau.
Thêm vào đó, để người dân có thể nhanh chóng tiếp cận các ga tàu điện ngầm, xe buýt đưa đón miễn phí cũng sẽ được vận hành tại 25 quận tự trị của Seoul.
Copyright ⓒ 아주경제 베트남 무단 전재 및 재배포 금지
본 콘텐츠는 뉴스픽 파트너스에서 공유된 콘텐츠입니다.