Việc mở cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố Đà Nẵng là một phần kế hoạch của Lotte nhằm mở rộng hoạt động của bộ phận phân phối ra thị trường nước ngoài trong bối cảnh ngày càng ít khách Trung Quốc ghé các cửa hàng trong nước do lệnh cấm du lịch của Chính phủ Trung Quốc nhằm trả đũa việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong bối cảnh sức mua của người tiêu dùng Đông Nam Á ngày càng tăng, Lotte dự kiến sẽ sử dụng cửa hàng miễn thuế mới ở Việt Nam làm cửa hàng cơ sở trong khu vực nhằm thu hút nhu cầu về hàng xa xỉ, thời trang, làm đẹp và đồ uống có cồn của khách hàng Đông Nam Á.
Lotte Duty Free gia nhập thị trường hàng miễn thuế Việt Nam bắt đầu với cửa hàng tại Sân bay Đà Nẵng vào năm 2017, sau đó mở thêm cửa hàng tại Sân bay Nha Trang (Cam Ranh) và Sân bay Nội Bài (Hà Nội). Trong nửa đầu năm tới, Lotte Duty Free có kế hoạch tiếp tục mở cửa hàng miễn thuế thứ hai ở trung tâm thành phố với vị trí là thủ đô Hà Nội.
Việc Lotte Duty Free mở rộng mạnh mẽ tại Việt Nam là một động thái xem xét tiềm năng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Việt Nam đạt 18,01 triệu vào năm 2019, nhưng đã giảm xuống còn 3,84 triệu vào năm 2020, do hậu quả của COVID-19. Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam vừa được Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố, lượng khách du lịch sẽ phục hồi lên 5 triệu lượt trong năm nay và đạt 18 triệu lượt vào năm 2026.
Việt Nam đang thực hiện nhiều chính sách du lịch quyết liệt với mục tiêu thu hút 5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm nay. Chỉ trong tháng 8, đã có 480.000 lượt khách du lịch đến Việt Nam tương đương một nửa tổng số khách du lịch nước ngoài (960.000) từ tháng 1~7 năm nay. Trong đó, khách du lịch đến Việt Nam chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Vì vậy, mục tiêu của Lotte Duty Free với động thái lần lượt khai trương các cửa hàng miễn thuế tại sân bay và trung tâm các thành phố lớn của Việt Nam không đơn thuần chỉ nhắm đến khách hàng Trung Quốc và Hàn Quốc, đối tượng mua sắm hàng xa xỉ lớn nhất châu Á mà còn hướng tới thu hút cả người tiêu dùng Đông Nam Á, nhóm đối tượng đang chi tiêu nhiều hơn cho việc làm đẹp và đồ uống có cồn do mức thu nhập được cải thiện.
Statista, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, đã dự đoán rằng thị trường hàng cao cấp Việt Nam, trị giá 974 triệu USD vào năm 2020, sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 7,17% cho đến năm 2025. Bên cạnh đó, từ năm 2021~ 2025 thị trường rượu vang Việt Nam cũng sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,5%.
Ngân hàng Thế giới dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng từ 13% vào năm 2019 lên 26% vào năm 2026. Boston Consulting Group (BCG) cũng phân tích rằng tỷ lệ người giàu, vốn chỉ chiếm 5% dân số Việt Nam vào năm 2018, sẽ tăng gấp ba lần lên 16% vào năm 2030.
Kim Ki-kyung, người đứng đầu chi nhánh Lotte Duty Free tại Việt Nam, cho biết "Có thể nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng chi tiêu nhiều hơn. Đối với cửa hàng miễn thuế ở sân bay Nội Bài, doanh số bán hàng hiện ở mức 5% tuy nhiễn chúng tôi dự đoán tỷ trọng sẽ tăng lên với hai chữ số trong vòng ba năm tới."
Xu hướng mua sắm của thế hệ trẻ tiếp tục nóng lên, và các quốc gia trong khối ASEAN đang trở thành thị trường mới nổi mà ngành công nghiệp xa xỉ đặc biệt để mắt tới. Theo số liệu do cơ quan nghiên cứu thị trường Savills công bố vào tháng 8, đến năm 2031, tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng bình quân hàng năm của các nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines sẽ đạt 5,2%, vượt xa khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4,7%).
Copyright ⓒ 아주경제 베트남 무단 전재 및 재배포 금지
본 콘텐츠는 뉴스픽 파트너스에서 공유된 콘텐츠입니다.